Báo cáo tham luận Dự án “Phát triển giống cây đặc sản rừng có giá trị kinh tế giai đoạn 2011 – 2020”
Dự án "Phát triển giống cây đặc sản rừng có giá trị kinh tế giai đoạn 2011 – 2020" do Viện Sinh thái rừng và Môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp làm chủ đầu tư, được thực hiện với mục tiêu lựa chọn và xây dựng hệ thống nguồn giống cung cấp cho thị trường với các loài cây đặc sản như Quế, Táo mèo (Sơn tra), Thông nhựa, Dẻ Yên Thế, Ươi, Hồ đào, Đỗ trọng, … Đến nay, dự án đã đạt được một số kết quả sau:
1. Bình tuyển và công nhận cây trội
Các cây trội trong dự án được lựa chọn theo tiêu chuẩn ngành 04TCN 147-2006, theo sản phẩm mục tiêu khác nhau, đảm bảo các chỉ tiêu quan tâm có độ vượt từ 30 - 40% so với năng suất bình quân của quần thể hoặc đám rừng có cây phân bố; cây có các đặc điểm về hình thái đủ tiêu chuẩn, đạt từ 90 điểm trở lên. Cụ thể, các loài cây lựa chọn theo chỉ tiêu năng suất hạt là Hồ đào (Hà Giang), Dẻ Yên Thế (Bắc Giang), Ươi (Đồng Nai); năng suất quả là Táo mèo (Sơn tra) (Yên Bái và Lai Châu); năng suất vỏ là Quế (Yên Bái), Đỗ trọng (Lai Châu) và năng suất nhựa là Thông nhựa (Nghệ An).Một số hình ảnh về cây trội và chứng chỉ công nhận nguồn giống.
2.Chuyển hóa rừng giống
Kết quả năm 2015, Dự án đã chuyển hóa và được công nhận nguồn giống cho 13 ha rừng giống chuyển hóa, trong đó (Quế: 4 ha, Táo mèo: 5 ha tại tỉnh Yên Bái và Thông nhựa 4 ha tại tỉnh Nghệ An), ba rừng giống chuyển hóa với diện tích khá lớn, ra hoa kết trái ổn định, hàng năm cung cấp hạt giống chất lượng cao cho trồng rừng của tỉnh và các địa phương lân cận khoảng 9.000 kg, từ đó sản xuất được khoảng 19 triệu cây giống tốt, đáp ứng được khoảng 14.000 ha rừng trồng mới.Một số hình ảnh về rừng giống chuyển hóa.
3.Xây dựng rừng giống
Các rừng giống được xây dựng theo quy phạm ngành 15-93 QPN, hồ sơ thiết kế theo tiêu chuẩn ngành 04 TCN 128-2006. Viện Sinh thái rừng và Môi trường đã hợp tác với 03 BQLRPH tại tỉnh Lai Châu và 01 VQG tại tỉnh Đồng Nai xây dựng được 04 rừng giống tại hai tỉnh Lai Châu và Bình Phước, mặc dù không được quản lý chặt chẽ đến từng gia đình như đối với vườn giống, nhưng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, lao động của Viện Sinh thái rừng và Môi trường cũng như sự hỗ trợ của các BQLRPH, VQG, UBND các xã có mô hình, các rừng giống đều sinh trường rất tốt, mật độ đảm bảo, được theo dõi sinh trưởng hàng năm và được quản lý theo thông tư 23/2016/TT-BNNPTNT (trước là quyết định 06/2005/QĐ-BNN, quyết định 59/2007/QĐ-BNN và Thông tư 69/2011/TT-BNNPTNT).Một số hình ảnh rừng giống trồng năm 2015.
4.Xây dựng vườn giống
Năm 2015, Dự án đã xây dựng được 10 ha vườn giống trong đó 02 vườn giống hữu tính: Thông nhựa (04 ha) tại Nghệ An, Quế (04 ha) tại Yên Bái và vườn giống vô tính Dẻ Yên Thế (02 ha) tại Bắc Giang. Các vườn giống này, được xây dựng từ các gia đình cây trội, các dòng vô tính theo sơ đồ cố định được thiết kế và phê duyệt.Một số hình ảnh vườn giống.
5.Xây dựng vườn sưu tập cây đặc sản rừng
Để bảo tồn nguồn gen quý của các loài cây đặc sản rừng, năm 2015 dự án đã xây dựng 02 vườn sưu tập cây đặc sản rừng, 01 vườn tại BQLRPH Tam Đường huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu và 01 vườn tại cơ sở I Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam huyện Chương Mỹ thành phố Hà Nội, các loài cây trong vườn được trồng thành từng khối, mỗi vườn có trên 15 loài cây, các loài cây này đều là những cây đặc sản đại diện cho vùng sinh thái nơi đặt vườn sưu tập, cây trồng sinh trưởng tốt và được quản lý và theo dõi sinh trưởng hàng năm.Một số hình ảnh vườn sưu tập cây đặc sản rừng trồng năm 2015.
6.Tập huấn và chuyển giao kỹ thuật
Dự án đã tổ chức được 06 lớp tập huấn về kỹ thuật chọn giống, nhân giống, xây dựng rừng giống và chuyển hóa rừng giống tại các địa phương là nơi tổ chức triển khai thực hiện dự án, mỗi lớp có số lượng học viên từ 35 đến 50 người, các học viên được trang bị những kiến thức, nguyên lý cơ bản trong chọn giống, nhân giống, xây dựng vườn – rừng giống, chuyển hóa rừng giống, được thực hành, với sự hướng dẫn tận tình của những chuyên gia hàng đầu về giống lâm nghiệp của Việt Nam, sau khóa học 100% học viên có thể chiết, ghép...và nắm chắc kỹ thuật về chọn giống, xây dựng rừng giống... Các học viên là cán bộ kỹ thuật của các BQLRPH, CTy Lâm nghiệp, phòng Nông nghiệp huyện, cán bộ trạm khuyến nông huyện và cán bộ phụ trách nông lâm các xã nơi dự án xây dựng các vườn giống, rừng giống và vườn sưu tập.Một số hình ảnh về các lớp tập huấn.
7.Xây dựng cơ bản
Dự án cũng đã xây dựng 02 nhà màng nông nghiệp và nhà bảo vệ tại xã Thanh Mỹ, TX. Sơn Tây, TP. Hà Nội (Cơ sở I trường Đại học Lâm nghiệp) và tại TT. Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai (Cơ sở II trường Đại học Lâm nghiệp).Một số hình ảnh về nhà màng nông nghiệp.