Chi tiết bài viết

Image

Lập hồ sơ quản lý rừng bằng VBA

Nghiên cứu lập Hồ sơ quản lý rừng sử dụng công cụ Microsoft Office VBA
ĐẶT VẤN ĐỀ
Lập hồ sơ quản lý rừng được quy định tại Điều 38, Nghị Định 23/2006/NĐ-CP về thi hành luật bảo vệ và phát triển rừng và Điều 9, Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng.Hồ sơ quản lý rừng là “lý lịch rừng được lập cho từng lô rừng được điều tra tại thực địa thuộc một trong ba loại rừng, gắn với chủ quản lý rừng tại các đơn vị hành chính và được chỉnh lý, cập nhật thường xuyên những biến động sau mỗi kỳ kiểm kê rừng để làm căn cứ cho việc thống kê rừng hàng năm. Hồ sơ quản lý rừng bao gồm những số liệu về diện tích, trữ lượng rừng, phương án điều chế rừng (nếu có) và tình hình quản lý sử dụng đất lâm nghiệp, bản đồ kèm theo thể hiện đến lô quản lý và các tài liệu về quy hoạch, kế hoạch, dự án hoặc đề án liên quan đến lô quản lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt” [1]. Quyết định 594/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 20013 – 2016”, lập hồ sơ quản lý rừng là một trong bốn thành quả của dự án cần thực hiện.
Năm 2013, phần mềm “Quản lý dữ liệu điều tra kiểm kê rừng” đã được tác giả Vương Văn Quỳnh và cộng sự xây dựng – phát triển và đăng ký bản quyền tác giả số 734/2013/QTG. Với phần mềm này, lập hồ sơ quản lý rừng làmột trong ba chức năng chính đã được xây dựng.Theo chúng tôi phần mềm “Quản lý dữ liệu điều tra kiểm kê rừng” đã giải quyết được vấn đề về lập hồ sơ quản lý rừng cho các địa phương thực hiện dự án “Điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 – 2016”. Ở một khía cạnh khác, hồ sơ quản lý rừng của từng chủ rừng cần được xuất ra thành các file số, và hồ sơ của từng chủ rừng trong một xã (chủ rừng nhóm I)[1]hay hồ sơ quản lý rừng của từng xã trong một chủ rừng lớn (chủ rừng nhóm II)[2] cần được ghép lại với nhau thành một tập dữ liệu lớn hơn phục vụ công tác bàn giao, kiểm tra...các mục tiêu này còn chưa được thiết kế trong phần mềm.
Do đó nghiên cứu này đã được thực hiệnđể giải quyết mục tiêu như đã đặt ra nhằm đáp ứng được yêu cầuvề lập hồ sơ quản lý rừng của dự án “Điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 – 2016”.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu: Mẫu hồ sơ quản lý rừng là đối tượng của nghiên cứu này. Mẫu hồ sơ quản lý được nghiên cứu xây dựngtheo quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TCLN-KL ngày 23/12/2013 của Tổng cục Lâm nghiệp ban hành bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật điều tra, kiểm kê rừng [2]. Theo đó, mẫu hồ sơ quản lý được chia thành 2 đối tượng: chủ rừng nhóm I và chủ rừng nhóm II. Do mẫu hồ sơ quản lý rừng của chủ rừng nhóm I có tính phức tạp hơn khi so sánh với mẫu của chủ rừng nhóm II nên nghiên cứu này tập trung vào nghiên cứu lập hồ sơ quản lý rừng của chủ rừng nhóm I. Mẫu hồ sơ quản lý rừng của chủ rừng nhóm I gồm có 3 phần: Bìa, phần thông tin chung về các lô rừng của chủ rừng và phần ảnh sơ đồ lô.
Thiết kế nghiên cứu: Chương trình được thiết kế dựa trên ý tưởng rằng mỗi lô rừng đã xác định được tên chủ quản lý, các thông tin về từng lô rừng và ảnh sơ đồ lô. Nghiên cứu tập trung vào việc tạo ra các mẫu hồ sơ quản lý rừng cho từng chủ rừng sau đó đưa các thông tin về lô rừng, ảnh sơ đồ lô của các lô rừng vào các hồ sơ quản lý rừng của từng chủ rừng mà nó thuộc về. Kết quả là các hồ sơ quản lý của từng chủ rừng được lập ra và được lưu thành file ở dạng số.
Đối tượng tham gia: Nghiên cứu đã sử dụng ngôn ngữ lập trình VBA được tích hợp trong phần mềm Microsoft Excel và Microsoft Word. Căn cứ vào mức độ thuận lợi và hiệu quả của việc chạy chương trình chúng tôi sẽ lựa chọn việc sử dụng VBA Excel hay VBA Word cho việc lập trình các chương trình con. Tiếp theo chúng tôi xây dựng chương trình để có tích hợp trên giao diện của phần mềm Excel. Chương trình sẽ có chức năng thực hiện các bước cần phải thực hiện và trong mỗi bước chương trình sẽ gọi các chương trình được viết trong phần mềm MS Excel hay MS Word ra để thực hiện các công việc.Mô hình kết nối giữa chương trình Excel và Word được thể hiện trong hình 01.
Quy trình nghiên cứu: Quá trình nghiên cứu đã được chia thành 3 giai đoạn như trong hình 02 : giai đoạn 1 (chuẩn bị dữ liệu); giai đoạn 2 (kết nối dữ liệu hồ sơ quản lý) và giai đoạn 3 (hoàn thiện hồ sơ quản lý). Giai đoạn 1 (Chuẩn bị dữ liệu): Nghiên cứu đãchuẩn bị các nguồn dữ liệu phục vụ thiết kế chương trình chạy như sau:
Thứ nhất: Dữ liệu thông tin về lô rừng của từng chủ rừng. Dữ liệu các lô rừng của các chủ rừng trong dự án kiểm kê rừng là dữ liệu thuộc tính và đi kèm với dữ liệu không gian bản đồ. Căn cứ vào mẫu hồ sơ quản lý rừng, lựa chọn các thông tin bản đồ có trong hồ sơ quản lý và được xuất ra thành 1 file Excel tổng. Công việc này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như: sử dụng lệnh SQL Seclet trong phần mềm Mapinfo, công cụ Export Data trong phần mềm Mapinfo. Ngoài ra, có thể sử dụng ngôn ngữ lập trình Mapbasic để viết chương trình xuất ra file dữ liệu này. Sau khi có được file Excel tổng hợp dữ liệu của các lô rừng theo các chủ rừng, nghiên cứu sử dụng công cụ VBA Excel để tách dữ liệu thành các file Excel riêng biệt với các lô rừng theo từng chủ rừng. Các file được tách ra được lưu trong 1 thư mục. Đây là công việc đầu tiên của giai đoạn chuẩn bị dữ liệu.
Thứ hai: Ảnh sơ đồ lô các lô rừng của từng chủ rừng. Hệ thống ảnh sơ đồ lô của từng chủ rừng cần được tạo ra.Để có được hệ thống ảnh các sơ đồ lô, nghiên cứu đã sử dụng phần mềm “Quản lý dữ liệu điều tra, kiểm kê rừng” với chức năng xuất ảnh sơ đồ lô.Với phần mềm này, ảnh sơ đồ lô của từng lô rừng được tạo ra, được đặt tên và lưu trữ theo đơn vị chủ rừng hoặc đơn vị hành chính.Sau khi có được hệ thống ảnh sơ đồ lô của các chủ rừng, các ảnh sơ đồ lô này cần được đưa vào từng thư mục của các chủ rừng. Và các thư mục này nằm trong 1 thư mục tổng. Đây là bước chuẩn bị thứ 2.
Thứ ba: Mẫu hồ sơ quản lý rừng. Với mẫu hồ sơ quản lý rừng đã được quy định trong dự án kiểm kê rừng toàn quốc, nghiên cứu sử dụng công cụ VBA Word để tạo ra một bộ hồ sơ mẫu với tên của hồ sơ theo tên của các chủ rừng đã được xác định. Bộ hồ sơ quản lý rừng được tạo ra và được lưu trong 1 thư mục chung.Ngoài ra, do số lượng lô của các chủ rừng là không giống nhau, nghiên cứu cần xác định được tổng số lô của từng chủ rừng với sự hỗ trợ của công cụ VBA Excel. Tiếp theo công cụ VBA Word được sử dụng để thiết kế mẫu hồ sơ quản lý rừng cho từng chủ rừng đúng với số lượng lô của chủ rừng.
Giai đoạn 2 (kết nối dữ liệu hồ sơ quản lý rừng).
Mẫu hồ sơ quản lý rừng sau khi được thiết kế phù hợp cho từng chủ rừng được sử dụng để cập nhật dữ liệu vào.Dữ liệu được đưa vào bao gồm các thông tin của lô rừng và sơ đồ lô của chủ rừng.Hai dữ liệu này đã được chuẩn bị ở giai đoạn 1 của nghiên cứu.Việc đưa các thông tin của lô rừng vào hồ sơ quản lý rừng được thực hiện với sự hỗ trợ của công cụ VBA Excel.Việc đưa ảnh sơ đồ lô vào hồ sơ quản lý rừng được thực hiện với sự hỗ trợ của công cụ VBA Word.Ở giai đoạn này công cụ VBA Word còn được sử dụng để làm các công việc như lập danh sách tên file, lập danh sách tên thư mục, xác định tổng số file trong thư mục, tạo các thư mục theo danh sách.
Giai đoạn 3 (hoàn thiện hồ sơ quản lý rừng).
Hoàn thiện hồ sơ quản lý rừng là giai đoạn cuối cùng của nghiên cứu trong lập hồ sơ quản lý rừng của các chủ rừng. Giai đoạn này bao gồm các công việc liên quan đến việc tạo tiêu đề của mẫu hồ sơ thông tin của lô rừng; đánh số trang; biên tập và định dạng trang in; và cuối cùng là xuất hồ sơ quản lý thành file dữ liệu số ở định dạng (.doc*) hay (.pdf).Ngoài ra, giai đoạn hoàn thiện hồ sơ quản lý rừng còn gồm có nội dung ghép các chủ rừng lại với nhau theo đơn vị hành chính xã, huyện, tỉnh theo yêu cầu.Công việc này được thực hiện với sự hỗ trợ của công cụ VBA Word.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được chương trình lập hồ sơ quản lý rừng hoàn chỉnh theoquy trình 3 giai đoạn như đã được thiết kế. Chương trình được lưu ở dạng file AddIns (.xlam)theo đường dẫn (C:\Users\Administrator\AppData\Roaming\Microsoft\AddIns) và có thể chạy trên phần mềm Microsoft Excel, như hình 03.
Chương trình lập hồ sơ quản lý rừng đã được thiết kế gồm có 9 bước, bài báo trình bày cụ thể 9 bước này theo phương pháp minh họa bằng hình ảnh và diễn giải.
Bước 1: Tách dữ liệu Excel thành các file theo từng chủ rừng
- Dữ liệu đầu vào: File Excel tổng hợp dữ liệu các lô rừng của các chủ rừng.
- Phân tích: Ở bước này các chủ rừng được tách thành các file riêng biệt sử dụng trường thông tin tên chủ rừng để tách và các file được lưu với tên của chủ rừng.
- Kết quả: Các file (.xls*) được tạo ra và được lưu trong cùng 1 thư mục.
Hình 04: Tách dữ liệu của chủ rừng  
Bước 2: Xác định tổng số lô của chủ rừng

Hình 05: Xác định tổng số lô của từng chủ rừng
- Dữ liệu đầu vào: Thư mục chứa các file Excel của tất cả các chủ rừng.
- Phân tích: Chương trình sẽ gọi lần lượt các file Excel của từng chủ rừng trong thư mục và xác định mỗi chủ rừng có bao nhiêu lô.
- Kết quả: Chương trình sẽ tạo ra một file (.doc*) chứa danh sách các tên chủ rừng và tổng số lô rừng của mỗi chủ rừng.



Bước 3: Tạo mẫu hồ sơ của các chủ rừng

Hình 06: Tạo hồ sơ mẫu các chủ rừng
- Dữ liệu đầu vào: Form hồ sơ quản lý rừng chuẩn và Danh sách tên các chủ rừng được tạo ra ở bước 2.
- Phân tích: Form dữ liệu chuẩn được thiết kế cho 1 lô rừng trong 1 chủ rừng. Trên thực tế mỗi chủ rừng có thể có trên 1 lô rừng. Do đó cần dựa vào danh sách số lô của từng chủ rừng để thiết kế mẫu hồ sơ phù hợp với từng chủ rừng.
- Kết quả: Chương trình sẽ tạo ra các mẫu hồ sơ cho từng chủ rừng. Tổng số mẫu hồ sơ bằng tổng số chủ rừng đưa vào và được lưu trong 1 thư mục.
Bước 4: Đưa dữ liệu vào hồ sơ quản lý rừng của chủ rừng

Hình 07: Đưa dữ liệu từ excel sang hồ sơ chủ rừng
- Dữ liệu đầu vào:
+ Thư mục chứa các file (.xls*) chứa thông tin của từng chủ rừng.
+ Thư mục chứa các file (.doc*) mẫu hồ sơ của từng chủ rừng.
- Phân tích: Dữ liệu trong file Excel của các chủ rừng sẽ được đưa tự đồng sang các file Word của chủ rừng tương ứng.
- Kết quả: Chương trình sẽ lưu các file hồ sơ của từng chủ rừng vào một thư mục riêng, phục vụ các bước tiếp theo.
Bước 5: Tạo tiêu đề cho hồ sơ quản lý rừng của các chủ rừng

Hình 08: Đưa dữ liệu từ excel sang hồ sơ chủ rừng
- Dữ liệu đầu vào: gồm 1 danh mục tên chủ rừng được tạo ở bước 2 và thư mục các file (.doc*) được tạo ở bước 4.
- Phân tích: Mẫu hồ sơ quản lý rừng có mục tiêu đề (TT, tờ bản đồ, thửa đất, trạng thái…). Các tiêu đề này sẽ được tạo tự động để phù hợp với mẫu yêu cầu.
- Kết quả: Chương trình sẽ tự động tạo tiêu đề cho hồ sơ của các chủ rừng. Kết quả hồ sơ quản lý sau khi được tạo tiêu đề được lưu trong 1 thư mục riêng.


Bước 6. Lập danh sách tên các thư mục chứa ảnh sơ đồ lô của chủ rừng

Hình 09: Lập danh sách thư mục chứa ảnh sơ đồ lô
- Dữ liệu đầu vào: 01 thư mục chứa các thư mục con của từng chủ rừng chứa sơ đồ lô và 01 file (.doc*) trống để lưu kết quả.
- Phân tích: Ảnh sơ đồ lô của chủ rừng được đặt trong các thư mục riêng, bước 6 xác định tên của các thư mục của các chủ rừng phục vụ việc đưa dữ liệu sơ đồ lô vào mẫu hồ sơ của từng chủ rừng.
- Kết quả: Chương trình sẽ tạo ra một danh sách tên của các thư mục và tổng số ảnh có trong từng thư mục.
Bước 7: Đưa ảnh sơ đồ lô vào hồ sơ quản lý và hoàn thiện hồ sơ quản lý

Hình 10: Đưa ảnh sơ đồ lô vào hồ sơ chủ rừng
- Dữ liệu đầu vào: 01 danh mục tên thư mục được tạo ra ở bước 6; thư mục chứa hồ sơ rừng được tạo ra ở bước 5; thư mục chứa file kết quả ở dạng (.doc*) và (.pdf).
- Phân tích: Dựa vào danh mục tên chứa thư mục ảnh, chương trình sẽ đưa ảnh sơ đồ lô của chủ rừng vào hồ sơ của chủ rừng tương ứng.
- Kết quả: Chương trình sẽ tạo ra các file hồ sơ quản lý được lưu trong 1 thư mục. Hồ sơ của các chủ rừng đã được biên tập hoàn thiện.
Bước 8: Lập danh sách tên của các xã cần ghép các hồ sơ chủ rừng ở trong nó

Hình 11: Lập danh sách tên xã trong thư mục
- Dữ liệu đầu vào: thư mục các xã chứa hồ sơ chủ rừng của từng xã.
- Phân tích: Hồ sơ của các chủ rừng trong 1 xã được đưa vào trong các thư mục của xã.
- Kết quả: Chương trình sẽ lập 1 danh sách tên các xã và số lượng chủ rừng trong 1 xã để chuẩn bị cho việc ghép các chủ rừng trong 1 xã.




Bước 9: Ghép các chủ rừng theo từng xã/huyện/tỉnh

Hình 12: Ghép các hồ sơ của từng chủ rừng trong xã
- Dữ liệu đầu vào: 01 danh mục tên các xã được tạo ra ở bước 8.
- Phân tích: hồ sơ các chủ rừng đã được hoàn thiện ở bước 7. Bước 9 được thực hiện trong trường hợp muốn ghép các hồ sơ của chủ rừng trong 1 xã lại thành 1 file tổng. Bước này có thể thực hiện ghép các chủ rừng trong 1 huyện hay 1 tỉnh.
- Kết quả: Chương trình tạo ra một thư mục chứa các file tổng hợp hồ sơ chủ rừng trong theo từng xã.
Kết quả chạy chương trình hồ sơ quản lý rừng cho tỉnh Hòa Bình năm 2016
Kết quả lập hồ sơ quản lý cho chủ rừng nhóm I tỉnh Hòa Bình thuộc Dự án “Điều tra, kiểm kê rừng tỉnh Hòa Bình năm 2015 – 2016). Đã lập được hồ sơ quản lý rừng cho 5.600 chủ rừng (5.600 file Word và 5.600 file Pdf); 201File Pdf tổng hợp hồ sơ quản lý rừng của 201 xã có rừng thuộc 11 huyện/thành phố của tỉnh Hòa Bình (Hình 16 và 17).Bài báominh họa kết quả lập hồ sơ quản lý của chủ rừng ông Bùi Văn Nguyên, thôn Mu, thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Hồ sơ của chủ rừng gồm có 2 lô rừng. Tại hình 14 thể hiện thông tin các lô rừng và hình 15 thể hiện ảnh sơ đồ lô của các lô rừng đã được đưa vào hồ sơ quản lý.
  Hình 13: Bìa của hồ sơ quản lý rừng

Hình 14: Phần thông tin tổng hợp hồ sơ quản lý rừng của 1 chủ rừng


Hình 15. Ảnh sơ đồ lô được đưa vào hồ sơ quản lý rừng của chủ rừng
Hình 16. Thư mục chứa hsql của các chủ rừng Hình 17. Thư mục chứa hsql của các xã
     
Lập hồ sơ quản lý rừng là nhiệm vụ cần thiết trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng.Công việc này gặp nhiều khó khăn nếu như không có sự hỗ trợ của các công cụ tin họ. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy công cụ Microsoft Office VBA có thể giải quyết được mục tiêu mà nghiên cứu đã đặt ra đó là lập hồ sơ quản lý rừng cho các chủ rừng nhóm I và trả về kết quả ở dạng file điện tử .
Chương trình lập hồ sơ quản lý đã chạy ví dụ cho tỉnh Hòa Bình trong dự án điều tra, kiểm kê rừng tỉnh Hòa Bình năm 2015 – 2016 và khi so sánh với kết quả lập hồ sơ quản lý rừng chạy trong phần mềm “Quản lý dữ liệu điều tra kiểm kê rừng” cho thấy kết quả đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra .Từ đó mở ra các hướng nghiên cứu mới trong việc ứng dụng công cụ tin học Microsoft Office VBA cho việc lập hồ sơ quản lý phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng hay phục vụ quản lý rừng bền vững ở mức độ vừa và nhỏ.
Điểm mới của nghiên cứulànghiên cứu đã sử dụng ngôn ngữ lập trình VBAđã được tích hợp vào trong phần mềm Microsoft Excel và Microsoft Word đểtrực tiếp tạo hồ sơ quản lý rừng với các dữ liệu đầu vào đã được chuẩn bị trước.Nghiên cứu đã sử dụng các công cụ tin học để tạo ra công cụ tin học cho việc lập hồ sơ quản lý rừng. Nghiên cứu không hướng đến việc tạo ra một phần mềm có khả năng lưu trữ dữ liệu, thống kê, truy vấn các thông tin liên quan đến hồ sơ quản lý rừng.
Để chương trình có thể chạy tốt, đòi hỏi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về dữ liệu đầu vào.Chương trình được thiết kế gồm 9 bước thực hiện để lập được hồ sơ quản lý rừng.Với số bước thực hiện nhiều, đây có thể được xem là hạn chế của nghiên cứu này.
KẾT LUẬN
Trong bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu sử dụng công cụ Microsoft Office VBA lập hồ sơ quản lý rừng theo mẫu của dự án “Điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 – 2016”. Kết quả đạt được của nghiên cứu về mặt thực tiễn cho phép khẳng định Microsoft Office VBAlà công cụ hỗ trợ đáp ứng được mục tiêu mà nghiên cứu đặt ra.Lập hồ sơ quản lý rừng là một nhiệm vụ cần phải được thực hiện thống nhất tại các cấp nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng và các công cụ tin họccần được nghiên cứu ứng dụng sâu rộng hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1].Thông tư số 25/2009/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn thực hiện thống kê, kiểm kê rừng và lập hồ sơ quản lý rừng.
[2].Quyết định số 689/QĐ-TCLN-KL ngày 23/12/2013 của Tổng cục Lâm nghiệp ban hành bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật điều tra, kiểm kê rừng.
[3]. Phan Tự Hướng, 2012.Lập trình VBA trong Excel cho người mới bắt đầu.Nxb Khoa học và kỹ thuật.
[4]. Nguyễn Khắc Duy, 2013. VBA trong Excel: cải thiện và tăng tốc. Nxb Khoa học và kỹ thuật.
[5] Steven Roman, Ph.D, 2002. Writing Excel Macro with VBA.

[1] Bao gồm: hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (thôn, bản, nhóm hộ và các tổ chức trong cộng đồng)
[2] Bao gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng,Lâm trường quốc doanh/Công ty lâm nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), các đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài và chủ rừng khác
 
Image Image

Đăng ký nhận thông tin

Đăng ký để nhận các thông tin cập nhật mới nhất về các sản phẩm của chúng tôi

Image