Chi tiết bài viết

Image

Rừng giống chuyển hóa Quế

Quế (Cinnamomum cassia.BL) là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, tinh dầu Quế là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm. Gỗ Quế sau khi bóc vỏ cũng được dùng để làm nhà và đóng các đồ mộc gia dụng. Ngoài ra, do có tán lá khá dày, rậm và xanh quanh năm nên rừng trồng Quế còn có tác dụng phòng hộ khá hiệu quả. Vì thế Quế cũng được gọi là cây đa mục đích và là một trong những loài cây trồng chính trong chương trình 5 triệu hecta rừng nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu vùng xa ở một số tỉnh miền núi trong những năm qua. Ở nước ta, Quế được trồng nhiều ở các tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam và Quảng Ngãi, nhưng hầu hết là giống chưa được cải thiện.
Vùng quê Yên Bái là vùng Quế có diện tích và sản lượng vỏ cao nhất trong cả nước, tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Văn Bàn và Trấn Yên - tỉnh Yên Bái. Các khu vực có nhiều như Đại Sơn, Viễn Sơn, Châu Quế, Phong Dụ, Xuân Tầm... có diện tích trồng Quế và sản lượng vỏ chiếm khoảng 70% của cả vùng. Diện tích trồng Quế nhiều, Quế có năng suất và chất lượng tốt, tuy nhiên hiện nay, nguồn giống cung cấp cho các chương trình trồng rừng chủ yếu là giống chưa qua tuyển chon, hoặc tuyển chọn theo kinh nghiệm của người dân, vì vậy nguồn gốc lô giống đưa vào sản xuất chưa đảm bảo. Để đạt được mục tiêu cung cấp nguồn giống trước mắt, việc thực hiện xây dựng hệ thống rừng giống chuyển hóa từ những lâm phần có chất lượng tốt, cùng với các biện pháp kỹ thuật tác động như điều chỉnh mật độ, chăm sóc cây giống, phát dọn thực bì... để nâng cao chất lượng và năng suất của những cây mẹ lấy giống là việc làm cần thiết và có ý nghĩa.
Trong nội dung thực hiện Dự án "Phát triển giống cây đặc sản rừng có giá trị kinh tế giai đoạn 2011 - 2020", Viện Sinh thái rừng và Môi trường phối hợp với Lâm trường Văn Yên (tỉnh Yên Bái) đã thực hiện chuyển hóa và được công nhận nguồn giống theo Quyết định số 173/QĐ-SNNPTNT ngày 18/11/2015 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho 04ha rừng giống chuyển hóa loài Quế tại lô 64, khoảnh 31, tiểu khu 160 thuộc xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

que3 compressed


Trên cơ sở kết quả thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh vào rừng giống chuyển hóa, Viện Sinh thái rừng và môi trường báo cáo tóm tắt kết quả thực công việc chuyển hóa Quế cụ thể như sau:

1. Thông tin về nguồn giống

- Nguồn gốc: Rừng trồng

- Tuổi trung bình hoặc năm trồng: Năm trồng: 1998

- Nguồn vật liệu giống ban đầu: Trồng rừng bằng cây con

- Diện tích trồng: 4ha

- Các chỉ tiêu sinh trưởng:

+ Đường kính bình quân: 19,56 cm

+ Chiều cao vút ngọn bình quân: 11,64m

+ Chiều cao dưới cành bình quân: 8,24 m

+ Đường kính tán: 5,3 m

- Mật độ ban đầu: 1000 cây/ha; Mật độ hiện tại: 600 cây/ha

- Tình hình ra hoa kết quả, kết hạt: Toàn bộ các cây trong lâm phần đều đến tuổi ra hoa, kết quả. Sản lượng quả trung bình từ 15 – 20 kg/cây.

2. Tóm tắt các biện pháp lâm sinh đã áp dụng

a. Xử lý thực bì:

- Phương thức:
Xử lý thực bì theo phương pháp toàn diện.

- Phương pháp:
Thực hiện bằng phương pháp thủ công, phát sát gốc tất cả các loài cỏ dại, cây khác loài có ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây giống.

b. Chuyển hóa rừng giống

- Cây giống để lại:
Là các cây có phẩm chất tốt nhất trong khu vực rừng chuyển hoá. Trong đó, cây cấp I là những cây có sản lượng vỏ tốt nhất trong lâm phần, có sinh trưởng đường kính, chiều cao tốt nhất và hình thái cân đối; cây cấp II là những cây có sản lượng vỏ trung bình, đường kính và chiều cao ở mức trung bình so với với các cây trong lâm phần; cây cấp III là những cây có sản lượng vỏ thấp dưới mức trung bình của lâm phần, có sinh trưởng đường kính và chiều cao cũng như các đặc điểm hình thái khác cũng ở mức dưới trung bình.

- Số lần chặt tỉa thưa:
Tỉa thưa lần 1 (theo hồ sơ thiết kế) với cường độ 40%, thời gian thực hiện vào tháng 12 năm 2013. Mật độ để lại sau khi tỉa thưa: 600 cây/ha.

Cây chặt là những cây bị chèn ép, cong queo, cụt ngọn, lệch tán phẩm chất kém và cây không phục vụ cho mục đích chuyển hóa rừng giống.

- Kỹ thuật chặt:

+ Chặt sát gốc (cách mặt đất 15 – 20cm), hướng đổ không ảnh hưởng đến cây giữ lại (khống chế cho cây đổ theo đường đồng mức, không đổ theo hướng xuôi dốc để tránh nguy hiểm đồng thời tránh gây tổn thương cây chừa. Ngả cây xong, chặt cành nhánh trước, cắt khúc sau rồi vận xuất ra khỏi rừng.

+ Sau khi chặt phải dọn sạch gỗ và cành nhánh vận chuyển ra khỏi lâm phần.

+ Khi chặt phải đảm bảo ba yêu cầu đối với chặt nuôi dưỡng rừng là: Không chặt 2 cây liền nhau trong một lần chặt, Tạo điều kiện cho tán cây để lại có đủ không gian để sinh trưởng, phát triển.

c. Chăm sóc rừng sau chặt tỉa thưa:

+ Phát dọn thực bì toàn diện, cuốc xới vun quanh gốc, đường kính quanh gốc 1,5 m.

+ Xử lý số liệu và lập hồ sơ rừng giống chuyển hóa.

e. Xây dựng đường băng cản lửa
Xây dựng đường băng cản lửa rộng 6 m bao quanh rừng giống được thực hiện bằng việc phát bỏ các loài cây dễ cháy, giữ lại các cây khác loài, cây khó cháy có tác dụng ngăn chặn lửa rừng và dọn sạch vật liệu.

f. Các biện pháp bảo vệ khu rừng giống:

Xây dựng biển báo khu rừng giống tại điểm đường mòn đi vào khu vực rừng, thường xuyên kiểm tra phòng chống sâu bệnh hại, người và gia súc xâm lấn khu vực rừng được chuyển hóa.

Viết bình luận

Image Image

Đăng ký nhận thông tin

Đăng ký để nhận các thông tin cập nhật mới nhất về các sản phẩm của chúng tôi

Image