Chi tiết bài viết

Image

Thư ngỏ - Tập huấn cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp

Thực hiện Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 15/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 – 2016, 60 tỉnh/thành trong cả nước đã thực hiện điều tra, kiểm kê rừng, 59/60 tỉnh đã được nghiệm thu và công bố kết quả. Trong đó, Trường Đại học Lâm nghiệp đã tham gia thực hiện tại 13 tỉnh/thành (gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông (2013-2014), Hà Nội, Hoà Bình, Thanh Hoá, Bắc Giang, Ninh Bình (2015), Quảng Bình, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu (2016).

Sau khi kiểm kê, các tỉnh đều phải thực hiện công tác cập nhật diễn biến rừng theo Quyết định số 589/QĐ-BNN-TCLN ngày 19/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành tạm thời Phần mềm và quy định sử dụng Phần mềm “Theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp” trong dự án Dự án phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORMIS) giai đoạn II do chính phủ Phần Lan hỗ trợ. Phần mềm có nhiều ưu điểm như: tích hợp tự động chuyển hệ tọa độ từ các hệ quy chiếu khác nhau sang hệ tọa độ quốc gia VN-2000; có khả năng ứng dụng các nguồn ảnh vệ tinh miễn phí để theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; tích hợp các bản đồ chuyên đề đơn giản; thực hiện thống kê, truy vấn cơ sở dữ liệu nhanh, chính xác; có giao diện đơn giản, dễ sử dụng, cán bộ lâm nghiệp được tập huấn kỹ thuật Q-GIS là sử dụng tốt. Theo đó, khi phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp được giao về cho tỉnh sử dụng đã được cập nhật nguồn dữ liệu là số liệu kiểm kê rừng của các tỉnh/thành phố giai đoạn 2013 - 2016. Từ đó, khi diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở các tỉnh/thành phố có biến động như trồng rừng mới, rừng hình thành sau khoanh nuôi tái sinh, rừng bị cháy, chặt phá, chuyển đổi mục đích sử dụng… các kiểm lâm địa bàn sẽ cập nhật số liệu, vị trí có diễn biến vào phần mềm, phần mềm sẽ tự động cập nhật hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp đúng với hiện trạng thực tế. Ngoài ra, ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp này giúp UBND các cấp phát huy và thực hiện vai trò quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo Nghị định 23/2006/NĐ-CP có hiệu quả hơn. Còn đối với ngành lâm nghiệp thì có đủ cơ sở dữ liệu để lập kế hoạch xây dựng, bảo vệ và phát triển rừng theo từng năm cũng như chiến lược trung, dài hạn; nâng cao được năng lực, trình độ của lực lượng kiểm lâm trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, giám sát các hoạt động lâm nghiệp một cách khoa học; có cơ sở thực hiện các dự án, phương án bảo vệ tài nguyên rừng phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương… Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát ở một số địa phương, thì công tác này triển khai ở cấp cơ sở còn gặp một số khó khăn về nhân lực cũng như phương tiện; một số quy trình triển khai phần mềm còn thiếu…

Từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 năm 2017, Viện Sinh thái rừng và Môi trường – Trường Đại học Lâm nghiệp đã tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp thành phố Hà Nội năm 2017 từ dữ liệu Kiểm kê rừng theo phần mềm FORMIS cho Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tại Trường Đại học Lâm nghiệp. Trong đợt tập huấn này, học viên được hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng GPS đúng tiêu chuẩn, chuyển tải dữ liệu từ GPS vào phần mềm theo dõi diễn biến rừng, thao tác với phần mềm theo dõi diễn biến rừng (FRMS – QGIS) đến từng học viên (Chi tiết hoạt động được đăng tải trên trang web của Viện Sinh thái rừng và Môi trường http://vstrmt.vnuf.edu.vn/thong-bao). Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã đánh giá cao kết quả của đợt tập huấn này, một phần là do lớp học không quá đông, giảng viên có điều kiện hỗ trợ từng học viên trong quá trình hướng dẫn với phương châm 100% học viên tham dự phải được thực hành, phải vượt qua bài kiểm tra cuối khóa; và phần quan trọng là giảng viên giải đáp được những vấn đề vướng mắc, khó khăn khác nhau của từng đơn vị, từng học viên.

Trên cơ sở thành công tại lớp tập huấn nói trên, Trường Đại học Lâm nghiệp xin gửi tới Quý cơ quan lời mời tham gia các Khoá tập huấn kỹ thuật cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh năm 2017 từ dữ liệu Kiểm kê rừng theo phần mềm FORMIS do các giảng viên có kinh nghiệm của Viện Sinh thái rừng và Môi trường và Trường Đại học Lâm nghiệp Phân hiệu Miền Nam thực hiện. Nội dung chính của tập trung vào vấn đề sử dụng GPS ngoài hiện trường cũng như kết xuất dữ liệu vào phần mềm, các thao tác với phần mềm cập nhật diễn biến rừng và quan trọng hơn là giải đáp những vướng mắc, khó hăn của từng đơn vị, từng học viên theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Đối tượng tham gia tập huấn: Cán bộ kiểm lâm phụ trách nhiệm vụ quản lý dữ liệu kiểm kê và cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh

Chúng tôi đề xuất ra đây 2 hình thức tổ chức:

1. Hình thức tổ chức thứ nhất: Cử cán bộ đi tập huấn tại Trường Đại học Lâm nghiệp

- Đối với các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra, tập huấn tại Viện Sinh thái rừng và Môi trường (Địa chỉ: Trường Đại học Lâm nghiệp, Thị trấn Xuân Mai, Huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

- Đối với các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào, tập huấn tại Trường Đại học Lâm nghiệp Phân hiệu Miền Nam (Địa chỉ: Thị trấn Trảng Bom, Huyện Trảng Bom, Tỉnh Đồng Nai).

2. Hình thức tổ chức thứ hai: Tập huấn tại Chi cục Kiểm lâm các tỉnh.

Với thiện chí hợp tác cùng phát triển, Trường Đại học Lâm nghiệp rất tin tưởng vào sự thành công tốt đẹp và lâu dài trong quá trình hợp tác giữa chúng tôi và Quý cơ quan.

Mọi hình thức hợp tác xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua:

Viện Sinh thái rừng và Môi trường:

Đại diện: ThS. Vũ Thị Kim Oanh – Phó trưởng phòng Tổng hợp

Địa chỉ: Nhà A3, Trường ĐHLN - Thị trấn Xuân Mai - Huyện Chương Mỹ - Hà Nội

Điện thoại: 0466.821.330/ 0982.840.703; Email: qlkh@ifee.edu.vn

Trường Đại học Lâm nghiệp Phân hiệu Miền Nam

Đại diện: ThS. Lê Hồng Việt – Phó GĐ Trung Tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Công chức Kiểm Lâm

Địa chỉ: Thị Trấn Trảng Bom - Huyện Trảng Bom - Tỉnh Đồng Nai

Điện thoại: 0982.426.113; Email: hongvietdhln@gmail.com

Xin trân trọng cảm ơn!
Văn bản chính thức mời xem tại đây

Image Image

Đăng ký nhận thông tin

Đăng ký để nhận các thông tin cập nhật mới nhất về các sản phẩm của chúng tôi

Image