Chi tiết bài viết

Image

ĐÁNH GIÁ DẤU CHÂN CÁC BON SẢN PHẨM VỎ QUẾ BẰNG BỘ CÔNG CỤ SSI THỬ NGHIỆM TẠI VĂN YÊN – YÊN BÁI

1. BỐI CẢNH

Hiện nay cả nước có khoảng gần 170.000ha Quế, được trồng tập trung ở các tỉnh: Yên Bái (81 nghìn ha), Lào Cai (53,3 nghìn ha) và Quảng Nam (15 nghìn ha). Trữ lượng vỏ Quế của Việt Nam ước khoảng 900 nghìn - 1,2 triệu tấn, sản lượng thu hoạch bình quân từ 70 - 80 nghìn tấn/năm. Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về sản lượng Quế.

Văn Yên là huyện có diện tích Quế lớn nhất tỉnh Yên Bái, cũng là huyện điển hình trồng và sản xuất Quế sạch, chất lượng Quế ở đây được xếp vào hàng đầu cả nước bởi hàm lượng tinh dầu cao. Toàn huyện hiện có trên 4.000 ha Quế sản xuất theo hướng hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, Mỹ (Công ty Hương gia vị Sơn Hà 2.500 ha, Công ty Olam Việt Nam 1.071 ha, Công ty Vicimex 500 ha). Để sản phẩm Quế có thể xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài có yêu cầu cao về nguồn gốc, phương thức canh tác thì quy trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển và lưu trữ sản phẩm cần đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, hệ thống giám sát chất lượng và đảm bảo tính minh bạch trong quá trình sản xuất và xuất khẩu sản phẩm.

Dấu chân carbon (carbon footprint - CF) là thuật ngữ đang được quan tâm trong xu hướng “sống xanh”, “tăng trưởng xanh” hiện nay, đặc biệt trong giai đoạn biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và khủng hoảng nước, lương thực trên thế giới. Đối với một sản phẩm, dấu chân carbon sẽ bao gồm tất cả lượng phát thải khí nhà kính của sản phẩm đó bắt đầu từ lúc là nguyên liệu thô, cho đến quá trình canh tác, sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng và vứt bỏ, hay còn gọi là từ nôi đến nấm mồ (from cradle to grave). Lượng khí thải sau đó được tính toán và biểu thị bằng kilogam CO2/kilogam sản phẩm tương đương gọi là dấu chân carbon. Dấu chân carbon là một tiêu chuẩn có thể dễ dàng so sánh được giữa các sản phẩm khác nhau, việc công khai con số dấu chân carbon trên bao bì sản phẩm sẽ giúp tăng tính minh bạch và độ canh tranh của sản phẩm về mặt sinh thái, môi trường.   

Một trong những hoạt động của dự án "Phát triển chuỗi cung ứng quế bền vững tại tỉnh Yên Bái" là đo lượng khí thải CO2 từ các trang trại Quế để đưa ra các giải pháp can thiệp nhằm tăng cường loại bỏ Carbon trong các công đoạn của quá trình sản xuất, từ trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và thị trường.

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), Công ty TNHH Chế biến Gia vị Nedspice Việt Nam (Nedspice) và Viện Sinh thái rừng và Môi trường, các công đoạn được quan tâm xem xét để xác định lượng khí thải CO2 trong chuỗi cung ứng sản phẩm quế gồm: trồng, chăm sóc, khai thác; và giai đoạn vận chuyển, chế biến Quế tại các Nhà máy của Nedspice (giai đoạn vận hành nội bộ tại Việt Nam) thông qua công cụ SSI được cung cấp bởi IDH.

Từ kết quả khảo sát, phỏng vấn các nông hộ trồng quế tại 4 thôn (Thác Tiên, Khe Đâm, Khe Hóp, Trung Tâm) thuộc xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đã xác định lượng khí thải CO2 trong giai đoạn canh tác, vận chuyển và chế biến Quế tại Việt Nam từ đó đưa ra những khuyến nghị về các biện pháp can thiệp phù hợp nhằm giảm thiểu lượng carbon phát thải trong các công đoạn này, đáp ứng các tiêu chí về nhãn carbon của thị trường toàn cầu cho các sản phẩm từ Quế của Việt Nam trước khi xuất khẩu.

2. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

    1.  Nội dung

- Tiến hành khảo sát để thu thập dữ liệu làm đầu vào cho Bảng nhập liệu.

- Làm sạch và nhập dữ liệu được thu thập vào trang Nhập liệu của bộ công cụ SSI.

- Đồng bộ hóa dữ liệu thu thập được từ khảo sát hiện trường với dữ liệu từ các trang khác do Nedpsice cung cấp để tạo ra kết quả

- Phân tích và giải thích kết quả (bao gồm cả kết quả từ bảng canh tác và các kết quả khác do Nedspice cung cấp) cho các phát hiện, kết luận ban đầu và khuyến nghị.

2.3. Phương pháp

2.3.1. Lựa chọn các hộ tham gia phỏng vấn

Trên cơ sở danh sách hộ canh tác Quế do Nedspice cung cấp, lựa chọn các hộ tiến hành khảo sát thỏa mãn các điều kiện: phân bố trên tất cả các thôn trong danh sách; Có sự phân bố theo diện tích canh tác (<5ha; 5-10ha; 10-15ha; >15ha); Đại diện hộ gồm cả Nam và Nữ.

2.3.2. Phương pháp thu thập số liệu

- Kế thừa, nghiên cứu tài liệu thứ cấp, xây dựng mẫu biển phục vụ khảo sát: Thu thập, kế thừa các tài liệu có liên quan về đặc điểm dân sinh kinh tế xã hội, danh sách hộ sản xuất Quế do Nedspice cung cấp; các thông tin về quá trình sản xuất, phương thức canh tác Quế của người dân thông qua các dữ liệu thứ cấp; Nghiên cứu các yêu cầu đầu ra, các chỉ số, bảng dữ liệu cần đáp ứng của Bộ công cụ SSI; Xây dựng bảng hỏi phỏng vấn.

- Phương pháp phỏng vấn

+ Tập huấn kỹ thuật cho cán bộ/chuyên gia thực hiện để nắm rõ nội dung khảo sát, bảng hỏi phỏng vấn, yêu cầu đầu ra của quá trình khảo sát.

+ Trên cơ sở số lượng hộ khảo sát đã được xác định và bảng phỏng vấn đã được xây dựng, tiến hành khảo sát, phỏng vấn các hộ gia đình để thu thập thông tin theo bảng hỏi đã thiết kế.

- Phương pháp tổng hợp và xử lý dữ liệu

+ Rà soát, bổ sung thông tin, làm sạch dữ liệu, nhập dữ liệu vào bộ công cụ SSI.

+ Đồng bộ hóa dữ liệu thu thập hiện trường tại bảng canh tác với dữ liệu từ các bảng khác do Nedpsice cung cấp.

+ Số liệu của từng hộ sẽ được nhập riêng vào các phiếu khác nhau để đưa vào công cụ. Từ kết quả tính toán sẽ phân tích và giải thích kết quả của tất cả các bảng trong Công cụ để đưa ra các đề xuất, khuyến nghị phù hợp.

 

Hình 1: Quá trình phỏng vấn người dân

3. KẾT QUẢ

3.1. Kết quả tính toán dấu chân Carbon trong quá trình canh tác Quế và xác định các nguồn phát thải chính

3.1.1. Kết quả tính toán dấu chân Carbon trong quá trình canh tác Quế

Kết quả tính toán dấu chân Carbon trong quá trình canh tác Quế thống kê tại bảng 01.

Bảng 01: Số liệu trung bình lượng phát thải Các-bon

Tác nhân

Lượng phát thải

(Kg CO2/1 kg vỏ Quế)

Tỉ lệ (%)

Hóa chất nông nghiệp

0,043

2,73

Nguyên liệu ban đầu

0,087

5,47

Sử dụng phân bón

0,556

34,93

Khí thải CO2 (vôi và urê)

0,006

0,40

Năng lượng

0,841

52,82

Đất hữu cơ ngập nước

                -  

0,00

Thay đổi sử dụng đất

                -  

0,00

Tổn thất canh tác

0,058

3,66

Tổng cộng

1,592

100,00

Lượng phát thải trung bình trên 1 kg sản phẩm vỏ Quế là 1,592kg trong đó mô hình canh tác của hộ có lượng phát thải thấp nhất là 0,171kg, hộ có lượng phát thải cao nhất là 6,248kg CO2/1kg vỏ Quế.

 

Hình 2: Tỉ lệ phát thải trung bình của các nguồn trong hoạt động canh tác

3.1.2. Kết quả xác định các nguồn phát thải chính

Từ số liệu trung bình lượng phát thải từ các nguồn trong quá trình canh tác được tính toán theo công cụ SSI đã chỉ ra kết quả như sau:

a. Sử dụng năng lượng

Kết quả cho thấy, nguồn phát thải chính đến từ việc sử dụng năng lượng, trung bình là 0,841kg CO2/1kg vỏ quế chiếm 52,8% tổng lượng phát thải. Trong các nguồn năng lượng thì việc sử dụng xăng, dầu chiếm gần như toàn bộ lượng phát thải. Trong hoạt động canh tác Quế, do đặc thù khu vực trồng thường nằm xa nơi người dân sinh sống, phân bố ở các khu vực núi cao, điều kiện đi lại khó khăn nên lượng nhiên liệu sử dụng cho di chuyển, vận chuyển cây giống, phân bón và các vật liệu khác đến nơi trồng Quế của các hộ là chủ yếu. Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu cho máy cắt cỏ cũng chiếm một phần không nhỏ trong chi phí nhiên liệu của hoạt động sản xuất. Cuối cùng, việc khai thác vỏ cần phải chặt hạ cây nên cần lượng nhiên liệu cho máy cưa cầm tay. Với mức tiêu hao nhiên liệu trung bình của các dòng máy là 0,3 lít xăng/1h sử dụng lượng nhiên liệu cho máy cưa cũng chiếm tỉ lệ lớn trong tổng nhu cầu năng lượng cho hoạt động canh tác.

b. Sử dụng phân bón

Nguồn phát thải lớn thứ hai là việc sử dụng phân bón chiếm 34,93% tổng lượng phát thải với 0,556kg CO2/1kg vỏ quế. Lượng phân bón người dân sử dụng trong quá trình canh tác chủ yếu trong giai đoạn làm bầu, chăm sóc cây con. Với một số hộ cũng có sử dụng phân bón trong quá trình trồng cây nếu vị trí vườn dễ tiếp cận. Còn với các khu vực xa khó tiếp cận, người dân tận dụng các cây bỏ đi khi phát dọn để vun gốc cho cây, hoặc từ tro sau khi đốt dọn thực bì sau khai thác. Các loại phân bón sử dụng chính là phân hữu cơ, một số hộ có sử dụng thêm phân NPK trong giai đoạn làm bầu và làm hố trồng cây.

 

Hình 3: Hoạt động đốt dọn thực bì sau khai thác

c. Nguyên vật liệu ban đầu

Nguồn phát thải có tỉ lệ lớn thứ 3 là Nguyên vật liệu ban đầu với trung bình 0,087kg CO2/kg vỏ quế chiếm 5,47% tổng lượng phát thải trong giai đoạn canh tác.

d. Các nguồn phát thải thấp

          Ngoài ra còn một số tác nhân khác chiếm tỉ lệ không đáng kể như từ nguồn hóa chất nông nghiệp. Thông thường trước khi gieo hạt vào Bầu đất trước một ngày người dân thường dùng vôi pha loãng để tưới lên bầu để tránh bị nấm ảnh hưởng đến phát triển của Hạt giống.

e. Các nguồn không ghi nhận phát thải

          Do người dân tận dụng gần như tất cả các sản phẩm từ cây Quế, ngoài vỏ quế người dân còn sử dụng lá để chiết xuất tinh dầu Quế. Với gỗ quế sau khi khai thác với các cây lớn có thể sử dụng làm đồ gỗ, dăm… nên lượng thất thoát trong quá trình canh tác không đáng kể.

Hình 4: Một số vị trí rừng trồng Quế tại xã Mỏ Vàng

3.2. Kết quả tính toán dấu chân Carbon trong hoạt động chế biến, vận chuyển trong nước

Theo kết quả số liệu Nedpsice cung cấp trong khâu chế biến và vận chuyển nội địa, kết quả tính toán dấu chân các bon thông qua công cụ SSI như sau:

Bảng 02: Tổng hợp các nguồn phát thải trong quá trình chế biến, vận chuyển nội địa

Nguồn phát thải

Lượng phát thải

(Kg CO2e/1 kg vỏ Quế)

Tỉ lệ (%)

Vận tải nội địa

0,348

63,40

Sử dụng năng lượng

0,074

13,46

Bao bì, đóng gói

0,033

6,09

Hóa chất

                         -  

0,00

Thất thoát trong quá trình chế biến,

vận chuyển

0,082

15,00

Xử lý chất thải

0,011

2,06%

Tổng cộng

                0,549

 100, 0%

Trong quá trình chế biến và vận chuyển sau khi thu hoạch tổng cộng lượng phát thải của các nguồn là 0,549 kg CO2/1kg vỏ Quế.

 

Hình 5: Tỉ lệ phát thải từ các nguồn trong quá trình chế biến vận chuyển nội địa.

Trong các nguồn phát thải ở giai đoạn này, việc vận tải nội địa chiếm tỉ lệ lớn nhất với 0,384 kg chiếm 63%.  Do tổng quãng đường vận chuyển sản phẩm quế đến nhà máy của Nedpsice là khoảng 1.970 km bằng đường bộ (bao gồm: từ vùng nguyên liệu Yên Bái đến nhà máy tại Bắc Ninh: 220km và từ nhà máy tại Bắc Ninh đến Nhà máy Nedspice Bình Dương: 1.750km). Các nguồn phát thải chiếm tỉ lệ lớn sau đó là từ việc sử dụng năng lượng để sấy vỏ quế và thất thoát trong khâu chế biến, vận chuyển với tỉ lệ tương ứng là 14% và 15%.

Các tác nhân khác tạo ra lượng phát thải không đáng kể, do việc chế biến, vận chuyển quế khá đơn giản, không cần phải bảo quản kỹ lưỡng hay sử dụng xe làm lạnh để bảo quản.

3.3. Thảo luận và khuyến nghị

3.3.1. Thảo luận

 “Dấu chân” thường được sử dụng để đo lường áp lực của con người và tác động môi trường (Matuštík et al, 2021). Ví dụ, lượng khí thải carbon đã được công nhận là một phương pháp hiệu quả để tính toán lượng phát thải khí nhà kính (Wang et al, 2021). Dấu chân nước đề cập đến lượng nước tiêu thụ trực tiếp và gián tiếp cho sản xuất (Yin et al, 2021). Dấu chân đất đo lượng đất cần thiết cho quá trình sản xuất (Vanham et al, 2019). Để đánh giá áp lực môi trường của con người từ góc độ toàn diện, các tác động khác nhau có thể được xem xét bằng cách sử dụng một nhóm các chỉ số dấu chân, bao gồm dấu chân đất, nước và carbon (Ibidhi et al., 2017). Nhiều thực tiễn quản lý nông nghiệp đã được kiểm tra trong các nghiên cứu khác nhau liên quan đến các chỉ số dấu chân này, bao gồm cả việc tối ưu hóa việc sử dụng phân đạm (Huang et al, 2021), ứng dụng rơm và than sinh học vào đất, cải tiến kỹ thuật làm đất, xen canh (Jeswani et al, 2018), và các chiến lược kết hợp tưới tiêu và năng lượng. Trong sản xuất nông nghiệp, quản lý toàn diện đất đai, carbon và nước có thể mang lại câu trả lời cho việc đảm bảo sản xuất lương thực nhưng không vượt quá khả năng cung cấp tài nguyên. Hiện nay, cách tiếp cận gắn áp lực môi trường với quản lý nông nghiệp đồng thời đạt được mục tiêu an ninh lương thực và bền vững được áp dụng rộng.

Liu et al, (2016) đã đề xuất bảy cách áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp cho phép tối đa hóa hiệu quả của hệ thống đồng thời giảm tác động carbon của canh tác cây trồng. (1) Sử dụng các hệ thống cây trồng đa dạng (có thể giảm lượng khí thải carbon của hệ thống từ 32-315%) (2) Tối ưu hóa hiệu quả sử dụng phân đạm (có thể giảm lượng khí thải carbon của cây trồng trên đồng ruộng vì phân bón được áp dụng cho các loại cây trồng đã tạo ra 36–52 % tổng lượng phát thải); (3) Canh tác liên tục, không để đất bị hoang hóa có thể giảm tới 150% lượng khí thải carbon; (4) Cải thiện khả năng hấp thụ các-bon của cây trồng, đất có thể làm giảm lượng khí thải các-bon vì khí thải đầu vào nông nghiệp có thể được bù đắp một phần bằng cách chuyển đổi các-bon từ CO2 trong khí quyển thành sinh khối thực vật, sau đó được lưu trữ trong đất; (5) Giảm tác động đên đất (không làm đất toàn diện) kết hợp với việc giữ lại cây trồng đã được chứng minh là cải thiện lượng carbon hữu cơ trong đất và giảm thiểu lượng khí thải carbon; (6) Tích hợp các thực hành nông nghiệp hiệu quả có thể tăng năng suất cây trồng từ 15-59%, cắt giảm lượng khí thải từ 25-50%; (7) Kết hợp cây tròng có khả năng cố định đạm vào các công đoạn luân canh có thể giúp giảm thiểu mức tiêu thụ phân bón vô cơ và lượng khí thải carbon.

3.3.2. Khuyến nghị

Trong hai công đoạn tiến hành nghiên cứu là quá trình canh tác đến khi khai thác, và quá trình chế biến vận chuyển nội địa, tổng lượng phát thải trung bình trên mỗi tấn sản phẩm quế là 2,141 kg CO2/1kg vỏ Quế. Do chu kỳ khai thác quế dài hơn rất nhiều so với các loại gia vị khác (Chu kỳ khai thác từ năm thứ 8 đến năm thứ 20, cá biệt có những vườn ghi nhận tuổi cây từ 30 - 40 năm tuổi) việc phát thải trên kg sản phẩm chia cho năm là không quá lớn.

Trong nghiên cứu này kết quả ghi nhận các nguồn phát thải lớn nhất đến từ quá trình canh tác với các tác nhân chính từ sử dụng năng lượng, sử dụng phân bón và nguyên vật liệu ban đầu. Các giải pháp ban đầu để giảm thiểu phát thải từ các tác nhân này:

a. Giai đoạn canh tác

- Với nguồn phát thải từ năng lượng: Chủ yếu đến từ việc sử dụng máy cắt cỏ, máy cưa chạy bằng xăng và thiết bị vận chuyển cây con/phân bón trong quá trình trồng và vận chuyển vỏ quế/thân cây quế tới khu tập kết thu mua. Với các thiết bị máy cắt cỏ, máy cưa xăng: để có thể giảm thiểu lượng nhiên liệu sử dụng có thể tập huấn người dân sử dụng các loại máy đúng quy trình kỹ thuật để có thể làm việc hiệu quả hơn tiết kiệm thời gian và nhiên liệu sử dụng. Ngoài ra, các thiết bị cũng cần được bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo hiệu năng vận hành tốt. Người dân cũng có thể nghiên cứu sử dụng các loại máy cắt cỏ, cưa tay chạy bằng điện để giảm lượng nhiên liệu sử dụng cho canh tác từ đó trực tiếp giảm nguồn phát thải. Với việc vận chuyển cây con, phân bón, người dân có thể sử dụng các loại phương tiện vận chuyển hiệu quả, bố trí lịch vận chuyển theo nhóm các diện tích gần nhau trong cùng một ngày, tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển để vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển vừa giảm lượng nhiên liệu sử dụng trong quá trình này (việc bố trí này có thể thông báo trên kênh thông tin chung của nhóm hộ theo các cấp quản lý). Mặt khác, các tuyến đường giao thông trong khu vực trồng nếu được cải tạo, nâng cấp cũng sẽ giúp tối ưu hóa việc vận chuyển, giảm thiểu lượng nhiên liệu sử dụng. Trong trường hợp các hộ dân tham gia dự án tín chỉ carbon từ cây quế, các nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án có thể giúp giải quyết các vấn đề này.

- Với nguồn phát thải từ phân bón: Hiện nay người dân đã có nhận thức và chuyển sang sử dụng các loại phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường. Do đó cần tiếp tục khuyến khích nhân rộng cách làm này với cả các hộ gia đình chưa áp dụng canh tác hữu cơ. Ngoài ra người dân cũng cần được tập huấn nâng cao hiểu biết về việc sử dụng phân bón, kỹ thuật bón để tiết kiệm lượng phân bón, tránh bị rửa trôi thất thoát tạo nguồn phát thải.

Hình 6: Mật độ trồng của vườn quế 5-6 năm tuổi.

- Với nguồn phát thải từ nguyên liệu ban đầu sử dụng là cây con. Do mật độ trồng của người dân thực tế tại địa phương mà chúng tôi ghi nhận, mật độ trồng của các hộ là rất dày (trung bình 8.000 cây/ha) tuy nhiên theo các nghiên cứu và khuyến cáo của cơ quan nhà nước, Quế nên được trồng với mật độ khoảng 6.000 cây/ha. Do đó người dân cũng cần được hỗ trợ để nắm được mật độ trồng tối ưu để giảm lượng cây con sử dụng cũng như cải thiện khả năng sinh trưởng của cây Quế.

- Với nguồn phát thải từ việc đốt dọn thực bì: thực bì rơi rụng trên mặt đất trong quá trình chăm sóc và khai thác quế nên được thu gom, sử dụng các chế phẩm sinh học hiện có trên thị trường để chuyển hóa chúng thành phân bón, tăng thêm dinh dưỡng cho cây thay cho phương pháp đốt như hiện nay.

- Áp dụng phương pháp canh tác bền vững: Thực hiện canh tác cây quế theo các phương pháp bền vững như canh tác hỗn hợp, canh tác không cày xới hoặc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Các phương pháp này giúp tối ưu hóa sử dụng đất, bảo vệ đa dạng sinh học và giảm lượng phân bón và hóa chất cần sử dụng.

- Rừng hóa và tái trồng cây: Rừng và cây trồng có khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon dioxide từ không khí, giúp làm giảm lượng khí thải CO2. Việc tăng cường công tác bảo vệ rừng, kéo dài thời gian duy trì cây quế trên rừng và tiếp tục trồng mới cây quế một cách đúng kỹ thuật tại các vị trí khai thác cũng như các diện tích mới sẽ góp phần làm tổng lượng phát thải carbon từ quế được bù đắp do quá trình sinh trưởng của cây là quá trình hấp thụ carbon. 

- Các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật: Việc hỗ trợ tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nâng cao kiến thức về canh tác hữu cơ, quản lý rừng bền vững, đánh giá tác động môi trường từ vòng đời của cây quế...  sẽ giúp nâng cao tỷ lệ cây sống, tối ưu hóa hiệu quả mọi công đoạn canh tác và giảm thiểu lượng carbon phát thải.  

Để tiến hành tốt được các giải pháp trên, cần có sự hỗ trợ đồng bộ của chính quyền địa phương, bổ sung nguồn vốn từ các dự án liên quan cũng như sự hỗ trợ từ các đơn vị chuyên môn, các nhà khoa học.   

b. Giai đoạn chế biến và xử lý trong nước

Trong giai đoạn vận chuyển, tư vấn khuyến nghị Công ty Nedspice áp dụng các giải pháp sau:

- Với nguồn phát thải từ vận tải nội địa: Tối ưu hóa tuyến đường và lịch trình giao hàng để giảm khoảng cách di chuyển và thời gian trên đường, từ đó giảm lượng xăng dùng trong vận chuyển. Hoặc sử dụng các phương thức vận chuyển hiệu quả như đường sắt hoặc đường thủy.

- Với nguồn phát thải từ sử dụng năng lượng (ở các công đoạn sàng phân loại, nghiền, tiệt trùng, sấy và làm mát...): Áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió hoặc năng lượng từ thủy điện để thay thế năng lượng từ nguồn hóa thạch, tuần hoàn nhiệt thải từ quá trình tiệt trùng, sấy, tận dụng nhiệt dư từ các quá trình. Cải thiện hiệu suất năng lượng của các thiết bị và quy trình trong quá trình chế biến để giảm lượng năng lượng tiêu thụ và khí thải carbon.

- Với nguồn phát thải từ bao bì và đóng gói: Sử dụng bao bì và đóng gói có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học để giảm lượng chất thải và tiêu thụ tài nguyên. Tối ưu hóa kích thước và trọng lượng của bao bì để giảm lượng vật liệu sử dụng và tiết kiệm không gian vận chuyển.

- Thất thoát trong quá trình chế biến và vận chuyển: Tối ưu hóa quy trình chế biến và vận chuyển để giảm thất thoát và lãng phí nguyên liệu, giảm lượng năng lượng và nguyên liệu tiêu thụ, từ đó giảm khí thải carbon. Áp dụng các biện pháp quản lý chất thải để giảm thiểu rác thải và tái chế, sử dụng lại các vật liệu để giảm tiêu thụ tài nguyên và khí thải carbon.

- Xử lý chất thải: Áp dụng các phương pháp xử lý chất thải thích hợp như tái chế, compost hoặc chế biến sinh học để giảm lượng chất thải gửi đến bãi rác và tiết kiệm nguồn tài nguyên. Tìm hiểu và tham gia các chương trình tái chế hoặc chế biến chất thải có liên quan trong khu vực để đảm bảo việc xử lý chất thải một cách bền vững và ít tác động đến môi trường

- Tăng cường công tác vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị, tránh thất thoát nhiệt, nguyên liệu cũng như hạn chế chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất.

- Tập huấn cán bộ công nhân viên trong nhà máy, công ty về việc hạn chế sử dụng hóa chất, sử dụng hiệu quả nguyên/nhiên liệu và nước trong quá trình sản xuất.

4. KẾT LUẬN

Trong hoạt động canh tác, lượng phát thải trung bình trên 1 kg sản phẩm vỏ quế là 1,592 kg CO2, dao động trong khoảng 0,171 - 6,248kg CO2/1kg vỏ quế. Các nguồn phát thải chính: Nguyên liệu ban đầu, Sử dụng phân bón, Năng lượng. Trong quá trình chế biến và vận chuyển sau khi thu hoạch, tổng lượng phát thải của các nguồn là 0,549 kg CO2/1kg vỏ Quế.

Một số khuyến nghị ban đầu đã được đề xuất đề giảm thiểu lượng phát thải tạo ra trong quá trình canh tác quế chủ yếu tập trung vào giảm nguồn phát thải từ hoạt động canh tác của người dân.

 

Một số hình ảnh thuộc Hội thảo “Dấu chân cacbon và giảm pháp giảm phát thải trong chuỗi cung ứng”

 

 

 

 

Viết bình luận

Image Image

Đăng ký nhận thông tin

Đăng ký để nhận các thông tin cập nhật mới nhất về các sản phẩm của chúng tôi

Image