Đánh giá lại hiện trạng rừng đối với diện tích thuộc trạng thái dt1, dt2 nằm trong quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn tỉnh bình thuận
Năm 2015, việc điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 6 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiêu chí xác định và phân loại rừng; theo đó căn cứ tiêu chí rừng quy định tại Điều 3 Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT “Diện tích liền vùng lớn hơn 0,5 ha, độ tàn che lớn hơn 0,1 và chiều cao cây lớn hơn 05 mét”. Tiêu chí này tiếp tục được sử dụng cho kết quả theo dõi diễn biến rừng đến 31/12/2021, thời điểm này trên địa bàn toàn tỉnh có 27.527,31 ha trạng thái diện tích trống cây bụi và diện tích có cây gỗ tái sinh (DT1,DT1D, DT2, DT2D) ở những khu vực có điều kiện lập địa đặc thù là núi đất, đá tự nhiên nằm trong quy hoạch 03 loại rừng (tập trung địa bàn các huyện như: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc...).
Tuy nhiên, tại Điều 4 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16 tháng 11 năm 2018 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp “diện tích liền vùng lớn hơn 0,3 ha, độ tàn che lớn hơn 0,1 và chiều cao cây lớn hơn 01 mét” có thể biến động đạt tiêu chí thành rừng.
Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận đã thực hiện quy trình đấu thầu và chọn nhà thầu Liên danh Phân viện điều tra, Quy hoạch rừng Nam Bộ (đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT) - Viện Sinh thái rừng và Môi trường (đơn vị trực thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam) để thực hiện dự án.
Nội dung và quy trình các bước thực hiện:
- Xác định phạm vi của các đối tượng và đặc điểm lập địa của khu vực cần rà soát đánh giá hiện trạng trên bản đồ kiểm kê rừng năm 2015 và kết quả theo dõi cập nhật diễn biến rừng năm 2021;
- Điều tra mặt đất 114 OTC và 150 mẫu khóa ảnh;
- Giải đoán ảnh ở 3 thời kỳ khác nhau: Ảnh Sentine -1,2; ảnh Google Earth, Planet nhằm xác định khoanh vi diện tích có rừng;
- Chồng xếp bản đồ thổ nhưỡng, lập địa khu vực dự án;
- Rà soát, kiểm tra, bổ sung thông tin hiện trạng rừng tại hiện trường;
- Làm việc trực tiếp với đơn vị chủ rừng, địa phương có đối tượng điều tra đánh giá;
- Tổng hợp kết quả, xác định diện tích đủ điều kiện thành rừng, xây dựng bản đồ hiện trạng khu vực rà soát, đánh giá.
- Cơ quan chuyên môn của tỉnh tiến hành phúc tra, đánh giá kết quả tại hiện trường theo kết quả tờ trình của đơn vị tư vấn;
- Thẩm định báo cáo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kết quả thực hiện:
Ngày 16/11/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ra quyết định “Phê duyệt kết quả và công bố Dự án đánh giá lại hiện trạng rừng đối với diện tích thuộc trạng thái DT1, DT2 nằm trong quy hoạch ba loại rừng trên địa bàn tỉnh”
Tổng diện tích điều tra, đánh giá là 27.527,31 ha, trong đó (1) diện tích đủ điều kiện thành rừng là 10.375,49 ha và (2) diện tích chưa đủ điều kiện thành rừng là 17.151,82 ha. So sánh số liệu trước khi điều tra, đánh giá kết quả của Dự án đã góp phần tăng thêm độ che phủ rừng của tỉnh Bình Thuận là 1,30%, cụ thể diện tích rừng sau khi rà soát như sau:
* Phạm vi chủ quản lý có diện tích đủ điều kiện thành rừng :
- 09 đơn vị hành chính cấp huyện: 07 huyện 01 thành phố và 01 thị xã
- 61 đơn vị hành chính cấp xã: 54 xã, 02 phường và 01 thị trấn
- 24 đơn vị chủ rừng: 15 ban quản lý rừng phòng hộ; 06 công ty TNHH; 02 đơn vị Khu bảo tồn thiên nhiên và 01 đơn vị lực lượng vũ trang
* Diện tích rừng theo trạng thái
a) Diện tích rừng tự nhiên là 9.099,41ha, gồm:
- Rừng gỗ tự nhiên núi đất LRTX nghèo (TXN): 57,31 ha
- Rừng gỗ tự nhiên núi đất LRTX nghèo kiệt (TXK): 832,76 ha
- Rừng gỗ tự nhiên núi đất chưa có trữ lượng (TXP): 215,70 ha
- Rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL nghèo (RLN): 837,35 ha
- Rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL nghèo kiệt (RLK): 5.108,00 ha
- Rừng gỗ tự nhiên chưa có trữ lượng (RLP): 920,98 ha
- Rừng gỗ tự nhiên nửa rụng lá nghèo kiệt (NRLK): 117,15 ha
- Rừng gỗ tự nhiên núi đất LRLK nghèo kiệt (RKK): 67,70 ha
- Rừng gỗ tự nhiên núi đá LRTX nghèo (TXDN) 1,14 ha
- Rừng gỗ tự nhiên núi đá LRTX nghèo kiệt (TXDK): 29,69 ha
- Rừng gỗ tự nhiên núi đá chưa có trữ lượng (TXDP): 111,05 ha
- Rừng lồ ô tự nhiên núi đất (LOO): 2,93 ha
- Rừng tre nứa khác tự nhiên núi đất (TNK): 20,11 ha
- Rừng hỗn giao G-TN tự nhiên núi đất (HG1): 288,51 ha
- Rừng hỗn giao TN-G tự nhiên núi đất (HG2): 419,15 ha
- Rừng hỗn giao tự nhiên núi đá (HGD): 69,88 ha
b) Diện tích rừng trồng là 1.276,08 ha, gồm:
- Rừng gỗ trồng núi đất (RTG): 645,30 ha
- Rừng gỗ trồng đất cát (RTC): 288,00 ha
- Rừng trồng khác núi đất (RTK): 342,78 ha
* Diện tích có rừng phân theo mục đích sử dụng
- Rừng đặc dụng là 648,08 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 647,09 ha và diện tích rừng trồng là 0,99 ha;
- Rừng phòng hộ là 2.965,43 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 2.952,95 ha và diện tích rừng trồng là 12,48 ha;
- Rừng sản xuất là 6.761,98 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 5.499,37 ha và diện tích rừng trồng là 1.262,61 ha.
* Diện tích có rừng theo đơn vị hành chính
- Huyện Bắc Bình: 2.415,91 ha
- Huyện Đức Linh: 148,47 ha
- Huyện Hàm Tân: 96,69 ha
- Huyện Hàm Thuận Bắc: 1.398,02 ha
- Huyện Hàm Thuận Nam: 911,89 ha
- Huyện Tánh Linh: 1.997,18 ha
- Huyện Tuy Phong: 3.171,20 ha
- Thành phố Phan Thiết: 61,85 ha
- Thị xã La Gi: 174,28 ha.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CỦA DỰ ÁN:
Họp thẩm định kết quả dự án tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận
Làm việc phối hợp với Phân Viện điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ
Bố trí điểm điều tra mặt đất
Điều tra thực địa tại huyện Hàm Thuận Nam
Làm việc triển khai, thống nhất với các đơn vị chủ rừng
Phúc tra kết quả tại hiện trường