Chi tiết bài viết

Image

Đề án “Thí điểm mô hình trồng các loài cây bản địa để khôi phục lại rừng tại Khu BTTN Núi Ông”

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Núi Ông tiền thân là Khu BTTN Biển Lạc - Núi Ông được thành lập theo Quyết định số 14/TTg ngày 19/10/1992 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là nơi có đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Là một trong những khu vực ưu tiên số một trong chương trình bảo tồn dãy Trường Sơn với nhiều kiểu thảm thực vật quan trọng như rừng nhiệt đới thường xanh trên đất thấp, rừng nhiệt đới nguyên sinh rụng lá trên đất thấp, rừng lùn trên núi cao. Chính vì tầm quan trọng đó mà việc quản lý và bảo vệ rừng ở Khu BTTN Núi Ông có một ý nghĩa quan trọng không những cho việc bảo tồn đa dạng sinh học mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế sức phá hoại của thiên tai, giảm thiểu nguồn ô nhiễm môi trường, đảm bảo tính bền vững cho sự phát triển kinh tế trong vùng.

Trong thời gian qua, Khu BTTN Núi Ông gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tình trạng xâm lấn đất rừng để lấy đất sản xuất, khai thác lâm sản trái phép, … , Việc xây dựng đề án "Thí điểm mô hình trồng các loài cây bản địa để khôi phục lại rừng tại Khu BTTN Núi Ông" là thực sự cần thiết nhằm thiết lập cơ sở cho việc xây dựng cơ chế phục hồi lại rừng trên diện tích đất bị xâm lấn trồng cây công nghiệp dài ngày và sản xuất lương thực góp phần bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng Núi Ông, cải thiện sinh kế cho người dân vùng đệm.

Đề án được thực hiện với mục tiêu: "Triển khai thực hiện thí điểm chính sách đồng quản lý rừng, chia sẽ lợi ích giữa các bên liên quan (Nhà nước/chủ rừng và cộng đồng/người dân) góp phần quản lý rừng đặc dụng tại Khu BTTN Núi Ông một cách bền vững và hiệu quả". Để đáp ứng được mục tiêu, đơn vị tư vấn đã thực hiện các nội dung:

- Hiện trạng diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm

- Đặc điểm hiện trạng cây trồng trên đất lâm nghiệp bị xâm lấn và kết quả lựa chọn loài cây bản địa để phục hồi lại rừng

- Thiết kế mô hình trồng các loài cây bản địa để phục hồi lại rừng trên diện tích đất rừng đặc dụng bị xâm lấn

- Thiết kế và vận hành mô hình đồng quản lý rừng giữa các bên liên quan

- Giải pháp thực hiện

- Tổng hợp đầu tư và hiệu qua kinh tế

Theo kết quả xây dựng đề án, diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép trong những năm trước đây tại Khu BTTN Núi Ông là 1.045,87 ha, trong đó có 245,39 ha trồng điều, cao su và 800,48 ha trồng Sắn, Ngô, Đậu. Từ kết quả đánh giá về đặc điểm hiện trạng cây trồng trên đất lâm nghiệp bị xâm lấn và kết quả lựa chọn loài cây bản địa để phục hồi lại rừng, đơn vị tư vấn đã đề xuất được 4 loài cây bản địa phù hợp bao gồm: Ươi , Trám trắng, Thanh trà, Sa nhân. Trên cơ sở kết quả phân tích tiềm năng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tiềm năng về rừng và đất lâm nghiệp, sự đa dạng về các loài cây bản địa, đề án đã sử dụng phương pháp tham vấn các bên liên quan bao gồm: Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm Lâm, Ban quản lý Khu BTTN Núi Ông, các phòng ban của huyện Tánh Linh, huyện Hàm Thuận Nam, UBND các xã và người dân địa phương thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn để xác định một số mô hình nhằm khôi phục lại rừng bằng các loài cây bản địa.

Các mô hình được tổng hợp theo các nội dung: Đặc điểm lập địa xây dựng mô hình, Loài cây trồng, Phương thức trồng, Mật độ trồng, Phương thức trồng, Biện pháp xử lý thực bì, Biện pháp làm đất, bón phân, Thời gian trồng, Tiêu chuẩn cây con mang trồng, Kỹ thuật trồng, Trồng dặm, Chăm sóc mô hình, Phòng trừ sâu bệnh hại và bảo vệ. Hai mô hình được đề xuất: Mô hình trồng Ươi/Trám trắng, Thanh trà, Sa nhân trên vùng đất trống, đất trồng cây nông nghiệp, Mô hình trồng bổ sung cây Sa nhân dưới tán các cây trồng công nghiệp lâu năm (Cao su, Điều).

Đơn vị tư vấn đã đưa ra được các giải pháp thực hiện về: tổ chức, quản lý và kỹ thuật; cơ chế, chính sách; khoa học công nghệ, đào tạo và khuyến lâm; huy động vốn. Để có cách nhìn khách quan về hiệu quả kinh tế của các mô hình, đơn vị tư vấn đã tổng hợp được đầu tư và hiệu quả kinh tế a) Cơ sở xác định nhu cầu vốn trên cơ sở các quy định hiện hành và tình hình thực tế, nhu cầu vốn cho các hoạt động chính trong đề án Thí điểm trồng các loài cây bản địa để khôi phục lại rừng tại Khu BTTN Núi Ông. Theo kết quả tính toán, các mô hình trồng các loài cây bản địa để phục hồi lại rừng tại Khu BTTN Núi Ông sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao: Mô hình Trồng Ươi/Trám, Thanh trà, Sa nhân trên đất trống, đất có cây nông nghiệp có thể mang lại hiệu quả kinh tế từ 12-13 triệu đồng/ha/năm; Mô hình trồng bổ sung Sa nhân dưới tán cây cây công nghiệp (Điều, Cao su) cũng mang lại thu nhập bổ sung khoảng 7,5 triệu đồng/ha/năm bằng việc tận dụng đất dưới tán để trồng Sa nhân. Hiệu quả kinh tế từ các mô hình ngày càng tăng lên do sau 10 năm cây Trám trắng, Ươi, sau 6 năm cây Thanh trà và sau 3 năm đối với Sa nhân vì các loài cây này sẽ cho sản lượng tăng và ổn định. Hiệu quả kinh tế từ các mô hình này cao hơn rất nhiều lần so với tiền khoán quản lý bảo vệ rừng hiện nay (khoảng 200.000 đồng/ha/năm).

Kết quả của đề án là cơ sở khoa học, thực tiễn quan trọng cho chính quyền địa phương trong việc xây dựng cơ chế phục hồi lại rừng trên diện tích đất bị xâm lấn trồng cây công nghiệp dài ngày và sản xuất lương thực góp phần bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng Núi Ông, cải thiện sinh kế cho người dân vùng đệm.

Viết bình luận

Image Image

Đăng ký nhận thông tin

Đăng ký để nhận các thông tin cập nhật mới nhất về các sản phẩm của chúng tôi

Image