Ứng dụng GIS và viễn thám trong quản lý chi trả DVMTR
ỨNG DỤNG GIS VÀ VIỄN THÁM TRONG QUẢN LÝ CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG TẠI LƯU VỰC THỦY ĐIỆN HƯƠNG SƠN, HÀ TĨNH
Rừng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Nó không những cung cấp nguồn lợi thiết yếu mà còn có chức năng bảo vệ môi trường như bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và hấp thụ khí CO2. Trong những năm gần đây, Việt Nam dần chú trọng vào giá trị của rừng và quan tâm hơn đến quản lý chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES). Theo Quyết định số 380/QĐ-TTg năm 2008 của Thủ tướng chính phủ cho phép thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại hai tỉnh Sơn La và Lâm Đồng. Năm 2010, Nghị định số 99 được ban hành nhằm triển khai Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên phạm vi toàn quốc khiến Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Á ban hành và triển khai chính sách PFES ở cấp quốc gia (Phạm Thu Thủy và cs., 2013). Chính sách đã thu được những thành tựu quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho các hộ dân, bảo vệ và phát triển rừng cả về diện tích và chất lượng. Công tác giám sát và đánh giá các đặc tính của từng loại rừng là một bước quan trọng để xác định giá tiền được trả dựa trên PFES. Tuy nhiên, hiện nay công tác này mới chỉ dựa vào bản đồ trạng thái rừng từ các năm (1990, 2000, 2005, 2010) với chất lượng không cao và không cập nhật. Chính vì vậy, đề tài đề xuất xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng với trạng thái rừng cập nhật, diện tích rừng của từng hộ dân chính xác và xác định rõ mức độ khó khăn trong quản lý rừng được đánh giá chuẩn theo tiêu chí của PFES. Bản đồ PFES sau khi được xây dựng sẽ được áp dụng vào khu vực nghiên cứu dưới sự quản lý của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, thu được nhiều nguồn lợi cho người dân từ chính sách hỗ trợ của nhà nước và công ty thủy điện Hương Sơn, Hà Tĩnh
Thủy điện Hương Sơn được xây dựng từ Sông Nước Lạnh và Nâm Luông, nhánh của sông Nậm Chốt thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Tổng công ty thủy điện Hương Sơn đầu tư xây dựng với công suất 33MW và trở thành thủy điện lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Sản lượng điện hàng năm xấp xỉ 134,079 MW/h, trong đó 129,762 MW/h đã hòa vào lưới điện Quốc gia (EVN) từ tháng 1 năm 2011